Nhật Ký Làm Mẹ

(Dân trí) – Chiều Hà Nội buồn, chỉ có tiếng gió thoảng qua xen lẫn tiếng thở dài tiếc nuối. Chẳng biết ai đó đã vô tình đi ngang đời em đánh rơi nỗi nhớ thương, gieo vào lòng người con gái mười tám tuổi một niềm hy vọng.
Chuyện đã qua lâu rồi, nhưng mỗi khi nghĩ tới, em vẫn thấy nỗi đau như vết cứa trong lòng mang những ký ức ngày xưa trở lại. Tự nhủ mình là người rộng lượng, lý trí đã quy thuận nhưng con tim không biết tự bằng lòng. Ngày hôm nay, cũng một ngày trời mưa như hôm đó của năm năm về trước, em vội vàng chạy vào văn phòng cho kịp buổi họp và bất chợt gặp lại anh trong vai một vị giám đốc thành đạt – nơi công ty em đang làm việc.

Anh của hôm nay và trước kia vẫn vậy, một dáng người cao gầy và một nụ cười rất khẽ đủ làm mê hoặc trái tim của những cô gái vốn yếu ớt như em. Tự hỏi lòng mình liệu đã quên chuyện cũ chưa? Em không tìm thấy cho mình câu trả lời nhưng lại cũng không muốn tìm kiếm, bởi hình như em đã tha thứ. Có người con gái nào vĩ đại như em không anh? Có người con gái nào chấp nhận ra đi để người yêu mình đến với cô bạn thân nhất như em không? Em dám chắc với anh rằng, sẽ chẳng có ai như em đâu, và cũng sẽ chẳng có người con gái nào đủ can đảm đứng lại nhìn anh và cô bạn thân trao nhau những nụ hôn nồng thắm nhất….

Em bỏ đi không phải vì em hèn nhát, cũng không phải vì em đã bỏ qua, mà vì em hiểu rằng chỉ có ở bên cô ấy, anh mới hạnh phúc. Em chưa bao giờ oán trách anh vì điều đó, nhưng em lại hận vì anh đã nói dối em. Cảm giác lòng tự ái bị tổn thương không cho phép con bé kiêu hãnh như em đứng lại van xin một lý do để mình chấp nhận. Em ra đi dù bản thân mình không phải là người thứ ba.

Sau bao năm trời như vậy, lẽ ra em vẫn nghĩ rằng anh đang hạnh phúc với người con gái anh thật lòng yêu. Nhưng có chuyện gì xảy ra thế? Ngày hôm nay anh là một doanh nhân thành đạt, anh có mọi thứ mình muốn nhưng anh vẫn là người độc thân. Anh đến công ty trong vai một người giám đốc uy nghiêm và quyền lực để rồi đến tối trở về nhà, anh lặng lẽ úp cho mình một gói mỳ nguội ngắt trong căn nhà thiếu vằng bàn tay phụ nữ.

Lặng nhìn bàn tay cầm chiếc thìa gõ lanh canh những âm hưởng vô định trong ly cà phê đắng ngắt, anh chẳng nói gì ngoài việc nén những tiếng thở dài. Em cũng không hỏi vì em hiểu, anh vẫn như ngày xưa, chỉ  khác rằng anh không dám nhìn vào mắt em. Vì anh sợ phải nói lời xin lỗi. Con tim em không tha thứ, hay đã bằng lòng khi đôi bàn tay anh nắm chặt đôi bàn tay em. Khó lắm, em muốn giằng mạnh tay ra để anh hiểu sự tức giận từ những năm tháng trước đây đến giờ vẫn như một kỷ niệm buồn. Nhưng chẳng hiểu sao em lặng yên để anh nắm đôi bàn tay đó mà không nói một lời.

Chiều nay trời lại mưa, những hạt mưa cứ rơi như trút vào lòng người thêm một gánh nặng. Hình như em đã lạc đường, muốn tìm cho mình một lối ra nhưng lại không dám bước thử vì sợ mình lại nhầm phương hướng như trước đây. Em sẽ đến với anh, chấp nhận từ bỏ tất cả để được quay về với những hồi ức tuổi mười tám hay quên anh đi để tiếp tục cuộc sống với người con trai yêu em hơn cả chính bản thân mình? Những suy nghĩ lặng lẽ như dòng nước chảy ngược mà em đang phải gồng mình để không bị cuốn theo. Trách mình sao thiếu bản lĩnh.

Người ta thường bảo, “khi yêu ai đó, đừng viết tên họ vào hình trái tim mà hãy viết vào một vòng tròn. Bởi vòng tròn không có điểm đầu và cũng không có điểm cuối. Bạn không thể biết vì sao mình yêu người đó và tốt nhất là tình yêu đó không bao giờ có điểm kết thúc…”.

Có phải chăng chính vì suy nghĩ đem toàn bộ những tình cảm đầu đời của em đặt vào vòng tròn đó mà giờ đây, em không thể tìm cho mình một câu trả lời đủ làm con tim em quy thuận. Thấy dòng đời sao lắm chông gai. Hơn bao giờ hết, em mong muốn có một ngôi sao băng như thủa bé vẫn thường xuất hiện trong giấc mơ để em thực hiện được điều ước của mình. Nhở nhoi lắm, nhưng giá mà, có ai đó giúp em khỏi lạc đường!

Bảo Anh

Những câu hỏi kiểu như “Hôm nay con có hoàn thành các bài trên lớp không?”, hay những từ “cấm, không” là một phần nguyên nhân dẫn đến việc trẻ ngại chia sẻ với cha mẹ.

Theo Tomson Nguyễn, giảng viên chuyên nghiên cứu về các phương pháp học tập đỉnh cao, nếu con trẻ nghe những câu hỏi quan tâm của phụ huynh kiểu như “Hôm nay con được mấy điểm? Hôm nay con có bài kiểm tra không? Hôm nay con có hoàn thành các bài trên lớp không?”… đã dần dần tạo áp lực cho trẻ, khiến chúng ngại ngùng chia sẻ những chuyện ở trường, nhất là các bé ở độ tuổi lên 10.

“Điều này chẳng có gì là sai hay bạn đang bị mất đi một phần vai trò của cha mẹ, đơn giản là đứa trẻ đang phát triển độc lập và muốn có một chút riêng cho mình. Trong hoàn cảnh đó, bạn cần thay đổi cách tiếp cận khi trò chuyện”, Tomson cho biết.

Theo ông, đối với trẻ, tốt nhất là bạn đừng hỏi kiểu thấm vấn vì trẻ không muốn bị tra hỏi. Bạn hãy học cách lắng nghe chăm chú những gì trẻ nói một cách tế nhị và kiên nhẫn, dõi theo những cử chỉ điệu bộ và thái độ của bé.

Cần hết sức tránh các câu hỏi với câu trả lời có hay không hay câu hỏi quá cụ thể. Hãy bắt đầu bằng các câu hỏi đơn giản và dần bạn sẽ chuyển đến chủ đề nhạy cảm mà bé không muốn nói. Điều quan trọng nhất là bạn hãy nói theo ngôn ngữ và tư duy của trẻ chứ không phải là thông điệp áp đặt cho chúng.

Dưới đây là những câu hỏi giúp bạn chia sẻ với con cái dễ hơn:

– “Mẹ biết con có lẽ đang căng thẳng về bài kiểm tra toán hôm nay. Bài đó thế nào nhỉ?”.

– “Mẹ rất tự hào về những việc con học tốt ở trường. Thế dạo này ở trường có gì vui không?”.

– “Khi ở độ tuổi của con mẹ cũng không thích môn xã hội. Lúc đó mẹ thấy không mấy quan tâm tới Nga người ta sống thế nào hay người Mỹ có bao nhiêu ngôn ngữ. Thế hiện con thực sự không thích môn nào?”.

– “Thời gian con yêu thích nhất ở trường là khi nào?”

– “Con nghĩ điểm ở trường thế nào? Phiếu báo điểm có khác gì với điểm con mong đợi không?”

– “Khi mẹ bằng tuổi con trong lớp mẹ có một bạn trai nghịch nhất. Mẹ vẫn nhớ thái độ hống hách của cậu đó. Lớp con có ai như thế không?”

– “Mẹ đã đọc rất nhiều tin trên báo có một số bạn lấy đồ của các bạn khác. Thế trường con thế nào? Chuyện đó có xảy ra không?”.

– “Trên mạng mẹ biết có nhiều vụ bắt nạt ở trường học. Nghe có vẻ sợ nhưng mẹ không biết nó như thế nào. Con có thể kể cho mẹ nghe về điều đó được không?”

– “Mẹ thấy lớp con có vài bạn mới. Bạn đó như thế nào?”

– “Mẹ thực sự thích cách con chọn những người bạn tốt. Con thấy phẩm chất của một người bạn là gì nhỉ?”

– “Mẹ biết đã làm con bối rối khi mẹ cứ đòi gặp cha mẹ bạn con trước khi cho con đến nhà bạn đó chơi. Nhưng có điều mẹ cần phải làm khi mẹ là mẹ của con. Có cách nào mẹ có thể làm để con thoải mái hơn không?”.

– “Hoạt động ở trường con và bài vở thế nào nhỉ? Cách gì giúp con thoải mái hơn khi quản lý thời gian biểu và trách nhiệm của mình không nhỉ?”

– “Mẹ thấy mẹ con mình đã lâu lắm không trò chuyện. Thế con có muốn đi dạo và nói chuyện không?”

– “Mẹ tin mẹ đang làm con bối rối. Điều gì mẹ làm con bối rối nhất nhỉ?”

Trò chuyện với trẻ là một quá trình liên tục. Luôn luôn giữ bầu không khí gợi mở và sẵn sàng khi trẻ thích trò chuyện. Bạn hãy uôn trò chuyện ngay cả khi bạn nghĩ trẻ không lắng nghe. Thực tế trẻ đang lắng nghe nhưng có thể tỏ vẻ ngược lại.

(Sưu tầm)

Khi có em bé đồng nghĩa với chiếc giường ngủ của hai vợ chồng trở nên chật hẹp. Chồng phải vác chăn gối sang phòng bên cạnh mỗi đêm.

Chúng tôi khởi nguồn từ một tình yêu chân thành, đến với nhau trong sự ủng hộ của bố mẹ hai bên. Sau đám cưới, hai vợ chồng gần gũi, yêu thương như những cặp vợ chồng son khác. Mong muốn được làm bố, làm mẹ trẻ con của chúng tôi cứ lớn dần từng ngày. Tuy nhiên, càng chờ chúng tôi càng sốt ruột. Mãi đến năm thứ hai sống chung với nhau, trời mới cho chúng tôi một sinh linh bé nhỏ. Ngày biết mình có thai, tôi hạnh phúc khôn tả.

Sau giai đoạn mang bầu nặng nề, được cả gia đình hai bên chăm chút, cũng đến lúc tôi “vượt cạn”. Khi thằng cu con cất tiếng khóc chào đời, mẹ tròn con vuông. Mắt tôi ánh lên niềm vui rạng ngời khi nhìn thấy đứa con mình mang nặng đẻ đau, niềm mong mỏi bao lâu nay giờ mới thành hiện thực.

Có con và nuôi con mới biết được những vất vả, khó khăn. Dù chuẩn bị tinh thần từ trước, đã tham khảo bạn bè, người quen cũng như có người thân giúp đỡ, vậy mà tôi vẫn không tránh khỏi khủng hoảng cả về tinh thần lẫn sức khỏe.

Khi có em bé đồng nghĩa với chiếc giường ngủ của hai vợ chồng trở nên chật hẹp. Căn phòng vợ chồng tôi ở cũng nhỏ nên chồng phải vác chăn gối sang phòng bên cạnh mỗi đêm. Em bé mới sinh lại quấy, cứ đêm đến giật mình khóc ngằn ngặt. Trước đây, hai vợ chồng quen ngủ một mạch từ tối tới sáng, giờ có em bé, đảo lộn hết mọi thứ.

Những đêm đầu còn đỡ, càng về sau càng mệt mỏi. Tôi vừa ru con, có khi còn ngủ gật. Đợt đó thiếu sữa, phải cho bé uống sữa ngoài, vừa phải bế con, vừa đi gọi chồng pha sữa. Khổ nỗi, chồng đi làm cả ngày về mệt, gọi mấy lần vẫn không dạy nổi. Đến khi pha sữa cho con thì đánh đổ đầy ra nhà. Cuối cùng chồng ôm con, còn mình lại đi lau sàn không sợ kiến bò vào đốt bé. Cả một thời gian dài, đêm nào cũng điệp khúc gọi chồng rồi thay nhau ru con đến khi nào bé chịu ngủ mới thôi. Mắt chồng thâm quầng, ngáp dài ngáp ngắn, lúc nào cũng buồn ngủ. Hai vợ chồng tụt cân.

Rồi con tè, con ị kéo theo việc thay tã, thay bỉm. Chồng không quen nên đùn hết việc cho vợ. Từ trước đến giờ, mình đã bao giờ phải làm, thế mà cũng phải nhắm mắt nhắm mũi làm, miễn sao con được sạch sẽ, ngủ ngon là tốt rồi.

Hết thiếu sữa lại bị tắc tuyến sữa, phải đến mấy ngày như vậy, thử các cách mà vẫn không được, con quấy, mẹ thì đau hết hai bầu ngực. Gọi chồng giúp cũng không xong, lúc đó mới thật khốn khổ. Mãi sau mới có người mách lấy lá bồ công anh đun nước uống mới khỏi.

Con được hơn tháng thì chồng phải đi công tác mấy tuần. Bà ngoại ở xa, bà nội ở gần lại bận, không giúp được mấy, đã thế còn hay “soi”, khiến tôi khổ sở đủ thứ. Do chưa có kinh nghiệm nên khi bé hơi ho, tôi đã không lường trước. Đến khi bé có triệu trứng sốt, đưa đi bệnh viện thì mới tá hỏa bé bị viêm họng. Đợt đó, lo sốt vó, chồng lại không có ở cạnh, một mình xoay sở. Đã thế lúc về nhà, mẹ chồng còn mắng vô tâm, ở với con suốt ngày mà cũng không chăm được con tốt. Vừa chán, vừa tủi thân mà không dám kêu ai. Tinh thần bị đè nén, mệt mỏi rã rời.

Mong muốn thuê ô sin để giảm bớt gánh nặng thì mẹ chồng không cho. Bà bảo nhà bé thuê ô sin về để ở đâu, vả lại có người ở khác nào nói bà vô dụng, ở gần con, cháu mà không chăm sóc được chúng lại phải đi thuê người ngoài. Nhưng kỳ thực bà có giúp gì được đâu, mình lại phải gồng mình gánh vác tất cả mọi việc.

Từ khi có em bé đến nay đã gần ba tháng, hạnh phúc khi nhìn thấy con yêu đã giúp tôi vượt qua nhiều khó khăn tuy nhiên khủng hoảng thì vẫn còn. Chồng tôi hay phải đi công tác, còn tôi sắp đến tháng đi làm trong khi em bé vẫn quấy hàng đêm và rất hay ốm. Hai vợ chồng tôi vẫn chưa biết thích nghi thế nào. Lúc nào cũng lo làm sao để có thể chăm sóc em bé được tốt, khỏe mạnh để hai vợ chồng còn yên tâm làm việc.

Lẽ nào nuôi con nhỏ lại khiến những người trẻ lần đầu được làm bố, mẹ rơi vào khủng hoảng như vậy sao? Rất mong nhận được những kinh nghiệm và phương pháp nuôi dạy con từ tất cả bạn đọc trên diễn đàn. Xin cảm ơn!

Theo Afamily

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc dạy trẻ cách ăn uống có lợi cho sức khỏe khi còn trẻ sẽ khuyến khích trẻ học những thói quen tốt, giảm nguy cơ béo phì, ung thư, tiểu đường và các bệnh tim mạch sau này. Và một trong những cách tốt nhất là để bé cùng tham gia nấu nướng với bạn.

Làm gương. Đầu tiên nhiều người thường cho rằng trẻ không thích ăn rau chỉ là tưởng tượng. Thực tế, khi thấy người lớn hứng thú với những thực phẩm có lợi cho sức khỏe, trẻ cũng sẽ sẵn sàng nếm thử chúng.

Trẻ rất thích khám phá vì vậy hãy cho trẻ tập ăn thật nhiều loại rau quả khác nhau, càng nhiều càng tốt. Nếu lần đầu trẻ không thích hãy dừng lại khoảng 1 tuần rồi cho trẻ thử lại.

Cố gắng cho trẻ ăn nhiều loại rau quả mới với hương vị quen thuộc như trộn 1 loại mới với 1 loại cũ.

Cắt nhỏ thành từng miếng vừa ăn để chúng trông hấp dẫn hơn.

Nên cho bé ăn lá, hoa (súp lơ) chứ đừng cắt cả cuộng sẽ làm bé không thích do cuộng thường cứng, dai và ít ngọt.

Để bắt đầu

Hãy mua một cuốn sách dạy nấu các món ăn cho trẻ, nên chọn cuốn dạy nấu các món rau, quả, ngũ cốc nguyên cám và các loại đậu, đặc biệt là các cuốn do các chuyên gia dinh dưỡng hoặc các tổ chức chăm sóc sức khỏe uy tín biên soạn.

Đọc hướng dẫn cẩn thận trước khi quyết định sẽ trở thành một đầu bếp giỏi của con.

Hãy hỏi trẻ để chúng được quyền chọn loại thực phẩm ưa thích và những món mà chúng muốn được ăn. Với những trẻ lớn hơn, hãy để trẻ tự chuẩn bị bữa sáng và bữa trưa. Đưa trẻ tới cửa hàng rau quả, thăm quan các cánh đồng trồng rau quả và nếu có điều kiện nên trồng rau trong một mảnh vườn nho nhỏ. Hãy chỉ cho chúng giá trị dinh dưỡng của những loại thực phẩm đó.

Mẹo nhỏ giúp bé hứng thú

Tất nhiên là nấu ăn cho trẻ mất nhiều thời gian hơn, nhất là khi có trẻ tham gia. Nếu bạn không muốn buổi nấu ăn kéo dài gấp đôi so với bình thường thì hãy dán công thức nấu món ăn lên tường, ở chỗ dễ thấy; sơ chế thực phẩm từ trước sau đó mới đặt trẻ lên 1 cái ghế chắc chắn để cùng nấu nướng.

Trẻ sẽ rất hứng thú với việc nấu nướng khi bạn biến công việc này thành một điều đặc biệt thú vị như khi bạn nghĩ ra những cái tên ngộ nghĩnh cho những sáng tạo của bé

(Sưu tầm)

Đồng hồ của ròm

Mọi người khi dạy con học hay mua cái đồng hồ đồ chơi về dạy con mà quên mất dạy con bằng “giờ thực tế” nhanh hơn nhiều.

Dưới đây là những gì mẹ nên làm khi dạy con cách đọc giờ tiếng Anh cho dễ nhớ.

1) Sáng sớm gọi bé dậy cho bé nhìn đồng hồ, hỏi con dậy lúc mấy giờ?

2) Đánh răng rửa mặt xong hỏi mấy giờ rồi con? Khi con trả lời xong thì hỏi tiếp vậy là từ khi dậy đến khi đi đánh răng rửa mặt con làm trong mấy phút. Cái này các bé dễ làm ngon lành lắm, cứ xòe tay ra đếm thôi.

3) Ăn sáng thì bắt đầu lúc mấy giờ, mẹ quy định đến mấy giờ vậy là bao nhiêu phút. Nếu quá thời gian quy định của mẹ vậy là nhìn đồng hồ và xem thử con trễ bao nhiêu phút.

4) Bắt đầu ra khỏi nhà lúc mấy giờ, và con sẽ lên trường lúc mấy giờ vậy là mình đi trong bao lâu. Cái này áp dụng cho đi đâu cũng được chẳng hạn: mấy mẹ con mình đi Vincom nè, mình đi lúc 12:20′ đến khi về nhà cho chúng nhìn đồng hồ và hỏi mình đi trong bao lâu?

5) Cho con coi hoạt hình, TV thì hỏi con là mấy giờ chiếu, và mấy giờ hết, vậy là con coi TV được bao nhiêu phút?

6) Muốn dạy mấy điều trên thì xin vui lòng dạy kim dài nằm bên trái của số 6 và số 12 là TO, và nằm bên phải là PAST. Nhớ dạy luôn số 1 cách số 2 là 5 minutes trước nhé.

7) Nếu bắt đầu dạy thì dạy con đọc số trên mặt đồng hồ trước, bắt đầu bằng giờ thôi chẳng hạn bây giờ là 8h mình đi ngủ, hay là 9h mình vào học, 3h mình tan trường rồi mới đến 3:30pm mình về đến nhà. Hay là 8:30 am mình ra khỏi nhà. Rồi lúc đó mới đến quarter là 8:15′ con uống sữa xong.

Theo Internet

Qua năm lớp 1, trường học không còn là “vùng đất mới lạ” với bé nữa. Và con bạn bắt đầu ỉ eo mỗi sáng để không phải đến trường, và tìm mọi lý do để mỗi buổi tối học bài trở thành trận chiến giữa mẹ và bé. Vì sao thế? Bé chán học rồi sao? Và làm cách nào để tìm lại động lực học tập cho con?

Chị Mai Lan, Q.1, Tp.HCM cứ sáng ra đến cơ quan là phải than thở: “Tui không biết phải làm sao với thằng con bất trị. Rõ ràng là nó có khả năng học, nhưng không chịu cố gắng. Mỗi buổi tối kèm con học, tôi cảm thấy đầu mình như nổ tung. Chốc nó lại xin ra uống cốc nước, lát nó lại bảo: “Mẹ ơi con muốn đi vệ sinh!”. Cứ thế, hết buổi tối chả học hành được gì ra hồn”.

Con trai chị mới qua lớp 2 đã vậy, cứ còn cô gái chị Dương Thùy Linh ở Q.3, Tp.HCM thì chán học từ khi mới hết học kỳ I của lớp “vỡ lòng”. Sáng nào nó cũng làm một bài ca khóc lóc trước khi đến lớp, nào là: “Con sợ cô giáo, con ghét bạn Nam…” “Nghĩ cô giáo mắng mỏ gì cháu, tôi đến gặp cô nói lời hơn thiệt, nhưng lạ là cô bảo “cháu ở lớp cũng ngoan, có bao giờ em phải nặng lời đâu”. Chả biết sao con không thích học nữa?”.

Nguyên nhân thì có nhiều lắm. Và bạn thì cũng đã dùng đủ mọi hình phạt, từ cấm xem tivi đến mắng mỏ, ép uổng chỉ mong con ráng tập trung cho việc học. Nhưng kết quả của việc cấm và ép vẫn là: con không thích học nữa.

Một phút lắng nghe con nói

Có vẻ như lời khuyên này hơi thừa, bởi bạn đã nhiều lần nghe cục cưng của mình phàn nàn rằng bài học thì chán, cô giáo thì… không xinh, lại không biết kể chuyện… và cho rằng đó là chuyện con nít. Không, con nít có lý do rất chính đáng của nó. Và bạn cần học cách lắng nghe con chứ đừng nên cắt ngang khi con trình bày. Bởi lẽ rất có thể vì lý do trẻ con dưới đây mà con bạn chán nản khi đến trường.

Bé không hòa thuận với giáo viên. Đôi khi có những mâu thuẫn giữa tính cách của học sinh và giáo viên, gây nên sự căng thẳng thường trực trong lớp. Để giải quyết nguyên nhân này, bạn nên thường xuyên trò chuyện hay gọi điện cho cô giáo về tình hình học hành của con, cũng có thể hỏi chuyện một người bạn nào đó của con về chuyện ở trường để tìm cách giúp con vượt qua mâu thuẫn đó.

Tiêu chuẩn của trường/lớp quá cao. Nếu nhiệm vụ được giao quá khắt khe thì con bạn cũng dễ mất đi hứng thú học tập vì bé biết bé sẽ không thể đạt được kết quả cao. Việc này càng dễ xảy ra khi con theo học tại trường điểm, lớp chọn bởi áp lực thành tích khiến thầy cô gò ép con trẻ vào những bào học quá sức của chúng.

Bị áp lực học tập, thậm chí bị stress. Giúp con vượt qua áp lực này không khó. Bạn hoàn toàn có thể xin chuyển con từ lớp chuyên sang lớp thường, (mặc cho mọi người chỉ trích) để bé lấy lại tự tin bởi trở thành một ngôi sao sáng ở một lớp học bình thường sẽ dễ dàng hơn nhiều so với việc phấn đấu cật lực để không bị xếp thứ hạng cuối trong bảng điểm của lớp chuyên.

Con bạn không có bạn bè. Kết quả là điều rất quan trọng ở trường, Một đứa bé trẻ gặp quan hệ tốt với bạn bé cũng sẽ mất đi hứng thú học tập. Bạn hãy tự hỏi vì sao bé khó kết bạn? Bé thiếu tự tin về ngoại hình? Hay vì các hoạt động vui chơi sau giờ học của các bạn không cho phép con tham gia? Nếu có thể, thỉnh thoảng bạn nên tổ chức những bữa tiệc ăn-pizza-và-xem-hoạt-hình tại nhà bạn, để bé mời vài người bạn mà bé quý mến đế tham dự.

Bạn bè của bé ghét trường học: Nếu một trong số những đứa bạn của bé ghét trường học thì cái cảm giác đó sẽ lây lan sang những đứa khác. Trong hoàn cảnh này, bạn nên đề nghị cô giáo chuyển chỗ ngồi cho con, thậm chí chuyển bé sang lớp học khác.

Bé đang bị bắt nạt: Sự sợ hãi sẽ phá tan mọi thứng thứ của trẻ khi đến trường. Nếu con bạn bị bạn bè chọc ghẹo, bị trẻ lớn bắt nạt, hãy nhờ đến nhà trường, hoặc bạn có thể trực tiếp đến trường học để gặp những “đầu gấu” tí hon kia, ngăn chặn những sự dọa nạt hướng vào con bạn hoặc những đứa trẻ nhút nhát khác.

Đặt ra kế hoạch và không ngừng khích lệ

Khi mọi nguyên nhân đã được giải quyết, bạn nỗ lực hướng dẫn và động viên con, nhưng có vẻ như sự tiến bộ của bé không nhanh như bạn muốn. Đừng sốt ruột, bởi nếu bạn nông nóng, chính bạn sẽ lại làm hỏng những cố gắng của cả bố mẹ và con suốt một thời gian dài.

Trước hết, hãy đặt ra cho bé mục tiêu hợp lý mà bé có thể đạt được. Bạn có thể đồng ý với trẻ về thời lượng làm bài tập mỗi tối, hoặc số điểm tối thiểu mà bé có thể đạt trong bài kiểm tra sắp tới, hoặc thậm chí việc bé đi học đúng giờ mỗi sáng thay vì tụt lại đằng sau.

Để bé cảm thấy bạn luôn ở bên bé và rằng bé không hề cô đơn trong “cuộc chiến” chống lại nỗi sợ trường lớp, bạn có thể giao ước với bé một ký hiệu hay một vật dụng nào đó mà chỉ hai mẹ con biết với nhau. Một bức ảnh hai mẹ con chụp chung để “mỗi khi cảm thấy buồn thì con mang ảnh ra ngắm nhé”.

Một hình ngôi sao vẽ trên cổ tay để “nếu hôm nay con ngoan và được điểm tốt thì chiều về, ngôi sao này sẽ bay lên tường nhé. Cuối tháng, nếu có đủ 30 ngôi sao con sẽ thích”. Thậm chí, hoàn toàn có thể chấp nhận để bé mang theo bạn gấu chột mắt mà bé yêu quý đến trường, sau khi bạn đã có lời xin phép cô giáo, miễn là để bé cảm thấy yên tâm và được khích lệ.

Với mỗi bước tiến bộ nhỏ, hãy nói với bé rằng bạn mong bé cố gắng hơn, và sau đó đặt ra cho bé một mục tiêu cao hơn một chút. Biến sự thiếu hứng thú thành sự nhiệt tình sẽ tốn thời gian, nhưng bạn và con bạn hoàn toàn có thể làm được.

Theo Internet

Những đứa trẻ này phát triển hoàn toàn bình thường, chỉ có điều gặp khó khăn trong học tập như khó đọc hoặc khó viết, khó làm toán.

Khoảng hai tuần nay, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM và Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM thường xuyên tiếp nhận những cháu bé bị rối loạn chuyên biệt về học tập (hay còn gọi là bệnh chậm học).

Không nhớ số 1-10

Khoa tâm lý Bệnh viện Nhi đồng 2 gần như ngày nào cũng tiếp nhận bệnh nhân bị rối loạn chuyên biệt về học tập, còn đơn vị tâm lý – khoa khám bệnh Bệnh viện Nhi đồng 1 trung bình một tuần có 20 trẻ bị chậm học đến khám. Số lượng trẻ mắc bệnh chậm học đến khám tại hai bệnh viện này tăng đột biến khi vào năm học mới. Nhiều phụ huynh không chỉ đến khám bệnh cho con, mà còn nhờ bác sĩ chứng nhận con họ học chậm để cô giáo khỏi bị nhà trường khiển trách về việc trong lớp có học sinh yếu!

 

Mới đây, bé N.T.V., 6 tuổi, ngụ ở Q.Tân Bình, TP.HCM được cha mẹ đưa đến khoa tâm lý Bệnh viện Nhi đồng 2 khám bệnh vì cô giáo phản ảnh trong lớp bé V. học rất chậm. Dù cô cố gắng dạy bé rất nhiều lần đếm số từ 1-10, nhưng khi hỏi lại bé V. vẫn không thể nhớ số nào, giơ các ngón tay lên cũng không đếm nổi. Người nhà tỏ ra bất ngờ khi bác sĩ tâm lý chẩn đoán bé V. bị rối loạn chuyên biệt về học tập (môn toán) vì ngoài việc khó khăn về học toán, mọi hoạt động khác của bé V. đều như những đứa trẻ bình thường khác.

Phát hiện từ lớp 1

Theo bác sĩ Phạm Ngọc Thanh, 70-80% số trẻ khó khăn học tập do bị chứng khó đọc (đọc kém lưu loát và kém chính xác, đọc với tốc độ chậm, đọc mà không hiểu ý nghĩa). Hoặc có một số trẻ khó viết (khiếm khuyết về chữ viết, đánh vần và cấu trúc câu); còn lại là khó làm toán (không hiểu khái niệm về số, khó nhớ số và không hiểu cách dùng số). Ví dụ trẻ có thể đếm thuộc lòng từ 1-10, nhưng khi giơ hai ngón tay và hỏi trẻ bao nhiêu ngón thì trẻ không biết trả lời đúng số lượng.

Nguyên nhân gây bệnh này đến nay vẫn chưa rõ. Trẻ bị rối loạn chuyên biệt về học tập thường được phát hiện bắt đầu vào lớp 1 do không theo kịp chương trình học. Giáo viên phản ảnh với phụ huynh trẻ kém tập trung, trí nhớ kém, học chậm và yêu cầu phụ huynh cho trẻ đi khám tâm lý để đánh giá sự phát triển của trẻ.

Khi được thông báo trẻ mắc bệnh chậm học, nhiều bậc cha mẹ ngỡ ngàng và lập tức hỏi các bác sĩ có thuốc gì chữa khỏi bệnh cho con họ không. Tuy nhiên, các bác sĩ cho biết không có loại thuốc nào có thể chữa chứng khó học này, chỉ có cách giáo dục trẻ theo khả năng của trẻ mà thôi.

Trẻ bị rối loạn chuyên biệt về học tập cần được chuyên viên tâm lý đánh giá những mặt mạnh và mặt yếu. Sau đó, phụ huynh và giáo viên cùng xây dựng một chương trình giáo dục vừa sức của trẻ, không ép trẻ học theo chương trình học của trẻ bình thường. Đặc biệt, tránh gây áp lực cho trẻ bằng những biện pháp bạo lực; cần nhẹ nhàng động viên, cổ vũ, nhắc nhở và chia việc học ra những giai đoạn nhỏ để trẻ dễ hiểu. Với những trẻ này, không nên cho trẻ vào học các trường chuyên, trường điểm, không nên cho trẻ học thêm quá nhiều, gây căng thẳng thần kinh, càng làm trẻ mất trí nhớ, khó tiếp thu.

Điều mà chuyên gia tâm lý Ngô Xuân Điệp – khoa tâm lý Bệnh viện Nhi đồng 2 – lo lắng là nhiều cô giáo và phụ huynh không biết trẻ có thể mắc rối loạn chuyên biệt này, nên khi thấy trẻ không học được lại cho rằng trẻ lười biếng, do vậy đã la mắng, đánh đòn trẻ. Tình trạng này kéo dài sẽ làm trẻ bị rối nhiễu tâm lý, ảnh hưởng đến sự hình thành tính cách của trẻ sau này như nhút nhát, thiếu tự tin.
Nằm một mình trong căn phòng vắng lặng, cảm giác cô độc cứ bủa vây lấy bà Lê. Nghĩ đến ngày mai con gái lên xe hoa về nhà chồng, lòng bà quặn thắt, nước mắt cứ trào ra.

Cả dãy phố nhỏ nơi bà sống ai cũng thầm khen bà may mắn khi có đứa con gái xinh đẹp, giỏi giang lại rất hiếu thảo. Mọi người nói cuộc đời thật công bằng, cho dù bà góa chồng khi còn quá trẻ nhưng bù lại, có được một cô con gái thật tuyệt vời.Từ khi chồng mất, bao năm tháng vất vả ngược xuôi, bà làm đủ mọi nghề kiếm sống, cố gắng làm tốt vai trò của một người mẹ và gồng mình lên để làm một người cha đối với con gái. Như thấu hiểu được tình yêu thương bao la của mẹ, Vi, con gái bà, chăm chỉ học hành, đỗ vào trường đại học danh giá tận thủ đô. Niềm tự hào, hãnh diện duy nhất và lớn nhất với bà Lê chính là cô con gái.Vi càng lớn càng xinh đẹp, giỏi giang, vì thế bà cũng được nở mày nở mặt. Trong thâm tâm, bà thầm ước mong con gái gặp được người hiền lành, tử tế để lấy làm chồng. Nhưng hôm nay, khi Vi sắp yên bề gia thất với một chàng trai tốt bụng, nghề nghiệp ổn định, yêu Vi vô cùng, sao lòng bà lại nặng trĩu một nỗi buồn đến vậy?

Hơn hai mươi năm kể từ ngày chồng ra đi, cuộc sống của bà chỉ có niềm vui duy nhất là Vi. Lúc Vi ốm, bà thức trắng đêm chăm con. Lúc Vi buồn, bà động viên an ủi. Khi Vi thành công hay thất bại đều có bà bên cạnh. Có thể nói mọi cảm xúc trong cuộc đời bà chỉ có con gái để chia sẻ. Giờ cứ nghĩ đến việc con mình thành con người khác, rời xa căn nhà thân yêu của hai mẹ con về sống bên những người xa lạ, bà lại thấy lòng trống trải, cô đơn tột cùng.

Bà chỉ ước mong, giá mà người Vi lấy là một anh chàng gia đình không lấy gì làm khá giả để bà đón về ở rể. Nhưng cuộc đời không cho con người ta nhiều niềm mơ ước đến vậy. Chồng Vi là một kĩ sư tin học, giàu có, lại là con một, phải phụng dưỡng bố mẹ nên tất nhiên không thể có cái viễn cảnh bà được sống cùng Vi trong cuộc hôn nhân của con.

Bà Lê thấy sợ những ngày tháng tuổi già cô độc, khi con gái đã về làm dâu nhà khác, không phải bất cứ lúc nào bà muốn là có thể được gặp con. Bà sợ con gái sẽ chia sẻ tình yêu thương cho gia đình nhà chồng mà quên mất bà. Bà có cảm giác như mình sắp mất con, mất đi ý nghĩa lớn lao nhất trong cuộc sống.

Bà lặng lẽ mở chiếc hộp kỉ niệm, nơi cất giữ bao tình yêu dành cho Vi. Cuốn nhật kí những đêm mất ngủ bà viết cho con từ khi Vi còn nhỏ xíu, những tấm thiệp Vi tặng mẹ trong dịp lễ tết, sinh nhật, bà đều nâng niu như báu vật. Càng nhìn nó, bà càng không sao cầm nổi nước mắt. Bà Lê áp mặt vào những món đồ kỉ niệm mà khóc không thành tiếng.

Cánh cửa căn phòng khẽ mở, bà giật mình vội vàng lau nước mắt. Vi rón rén bước vào ôm lấy mẹ:

– Mẹ ơi, con không ngủ được. Cứ nghĩ đến ngày mai xa mẹ con chỉ muốn khóc thôi. Con biết mẹ cũng rất buồn. Con xin lỗi vì đã không báo hiếu được nhiều cho mẹ.

Bà Lê nghẹn đắng cổ họng, khẽ cốc vào đầu đứa con gái yêu thương:

– Con gái ngốc, mai lấy chồng rồi mà còn làm nũng mẹ. Con muốn báo hiếu mẹ thì hãy sống thật tốt với chồng và gia đình nhà chồng, như thế là mẹ mừng rồi, biết chưa? Cuộc đời mẹ không có may mắn được nhiều hạnh phúc bên chồng, con phải sống hạnh phúc cho cả phần của mẹ, con nhé.

Bà vén cho con những lọn tóc xòa vào mặt, vuốt ve chúng như nâng niu hạnh phúc của con gái. Bà hiểu được rằng, dù ở bất kì đâu, Vi cũng luôn là đứa con gái yêu thương của mình. Và bà cũng biết Vi sẽ luôn biết cách làm tròn chữ hiếu. Bà mỉm cười mãn nguyện, đôi tay nhẹ nhàng vỗ vào bờ vai Vi, ru con ngủ để ngày mai đón chào hạnh phúc.

Theo afamily

Thời tiết thay đổi, mưa nắng thất thường, con hắt xì liên tục. Mẹ cẩn thận mặc thêm áo yếm cho con thì giật mình phát hiện dòng nước trắng mỏng chảy ra từ mũi trái con. Thế là ốm rồi đấy!

Mẹ vội vàng lấy dầu xoa vào hai gang bàn chân, rồi mang tất mỏng cho con, bé yêu vẫn vô tư cười toe toét. Mẹ nhỏ nước muối vào mắt và mũi con để sát khuẩn. Thế mà sáng hôm sau con bắt đầu những tiếng ho đầu tiên.

Mải ho nên những trò yêu thích hàng ngày con cũng chẳng màng, quả bóng trước con vẫn hay cặp bằng chân rồi lấy hai tay đập bộp bộp như đánh trống, giờ con chẳng thèm chơi.

Bác hàng xóm nghe con húng hắng thì khuyên mẹ nên cho con uống kháng sinh hoặc lá hẹ hấp với mật ong, nhưng mẹ băn khoăn vì sách khuyến cáo không nên cho trẻ dưới một tuổi dùng mật ong và mẹ không muốn con dùng kháng sinh sớm vậy. Với lại, con không sốt nên mẹ loại trừ khả năng họng con bị viêm, mẹ cho rằng nước mũi hôm qua đã tụ lại tạo nên đờm vướng trong cổ họng, con ho để cố đẩy nó ra.

Mẹ tham khảo ý kiến bà ngoại, bà cũng đồng tình rồi hướng dẫn mẹ lấy củ hành khô nướng lên, thái ra rồi xay cùng một lát gừng và ba lá dâu lọc lấy nước để nấu cùng bột hay hòa với nước cho con uống ngày một lần, giúp long đờm.

Buổi đầu con ngủ thở khò khè, thương quá, hôm sau mẹ vẫn kiên nhẫn làm bài thuốc đó cho con. Mẹ luôn tin tuyệt đối vào bà ngoại, vì rất phục bà đã nuôi mẹ và các bác luôn khỏe mạnh, chưa tốn viên thuốc nào, bệnh hầu hết đều được chữa bằng các bài thuốc dân gian. Mẹ quyết tâm noi gương bà, chỉ dùng thuốc Tây như một giải pháp cuối cùng.

Hôm ấy mẹ chỉ dám lau người cho con bằng nước ấm với vài hạt muối, mệt nên chắc con cũng muốn ngủ nhưng cứ thiu thiu được tí thì lại choàng tỉnh, đỏ mặt lên để ho đến chảy nước mắt làm con khó chịu, khiến mẹ cũng rối bời. Chao ôi, khó ngủ thế hả con? Sao cơn ho ấy không chuyển sang cho mẹ đi. Ai lại bắt thằng bé trằn trọc thế bao giờ, tội con tôi quá! Mỗi lần con thức giấc mẹ lại ôm con vào lòng vỗ vỗ, gọi giấc ngủ về với con, mà trong lòng thì như có lửa đốt!

Con hơi sụt sịt, mẹ lấy một nhánh tỏi, giã ra pha loãng với nước đun sôi cho con uống, mong sao con chóng khỏi…

Thế rồi, mẹ thức suốt để hồi hộp lắng nghe tiếng thở của con, có vẻ đã nhẹ hơn, mẹ bớt lo phần nào.

Hôm sau mẹ vẫn tiếp tục bài thuốc của bà ngoại, đờm đã long nên những tiếng khò khè cũng dứt, con yêu bắt đầu thở những nhịp đều đều, thi thoảng cái miệng còn dẩu lên rồi tóp tép nhai nhẩm.

Nhìn “thằng chó con” lại được ngủ ngon lành mà mẹ thở phào nhẹ nhõm. Nhất là lúc con ôm quả bóng vỗ bộp bộp, lại đùa nghịch hào hứng, mẹ vui quá. Hạnh phúc của mẹ giản dị thế thôi.
Mẹ Chí “phèo”
Búp non Đáng yêu
Theo Dân Trí

>> Chia sẽ Nhật Ký<<



Hai mươi tháng mà Bư mới bập bẹ được chục từ khiến mẹ sốt cả ruột. Mẹ lo lắng lắm nhưng mẹ nhầm to rồi: Bư ma lanh hơn mẹ nghĩ nhiều.
Chậm nói không phải chậm trí tuệ, không tin mẹ đọc thử nhật ký của Bư đây này.(Thực ra, đây là dựa trên nhật ký của …ố …oàng (Bố Hoàng) và 1 bài viết trên tạp chí mà bố được mẹ cho đọc).

Ngày 1, tất cả điện thoại ở nhà đều nằm trong tầm kiểm soát của Bư, điện thoại của …ố …oàng nằm ở bàn máy tính và bàn để hoa ngoài phòng khách, điện thoại của Mẹ là hay để linh tinh nhất còn điện thoại của Bà Nội thì thường nằm ở rất cao trên quầy bar. Bất cứ khi nào điện thoại kêu là con biết ngay của ai và mang ra tận tay cho thân chủ của nó. Bất kể thân chủ đang bận nấu cơm, đánh răng hay lái xe zin zin của Mabu.

Ngày 2, cái điện thoại bàn là của Bư nhé. Lúc nào Bư nhớ ai là Bư sẽ ra đấy gọi. Chỉ đơn giản là nhấc máy và bấm. Thật ra, mình biết thừa là mình chẳng gọi được cho ai nhưng mình cứ bập bẹ vài câu cho nó “sành”. …ố …oàng thì cứ nhìn mình chằm chằm sợ mình gọi sang Mỹ hay sao ấy. Mình biết là điện thoại này khóa gọi liên tỉnh và quốc tế rồi mà. Mình cầm một lúc thì nó kêu tút ầm cả lên. Nhưng mình vẫn cứ “a nô” kẻo mọi người lại nghĩ mình gọi bâng quơ. Ghét thật, theo dõi mình từng li từng tí một.

Ngày 3, mẹ làm gì mà cứ tô tô chát chát thế nhỉ, chắc là để làm đẹp cho …ố …oàng ngắm đây. Mình cũng phải làm đẹp chứ, mình cũng là con gái mà. Mẹ có dùng son nữa không? Chắc là không rùi vì đang để rảnh dưới bàn mà. Con mượn nhé. Thế là con mang ra cho …ố …oàng, bố cầm son định bôi cho mình nhưng mình chẳng hiểu bố định làm gì nên chạy vào méc mẹ là bố giành của Bư. Kaka, thế là bố bị mắng te tua. Bố hậm hực bỏ đi. Thế còn cái hộp kia là bôi gì nhỉ? Thấy mẹ bôi lên má. Bư cũng phải bôi thử xem nào. Hihi hay quá, thế là Bư cũng xinh giống mẹ rùi nè. Mẹ chạy ra gọi bố. Thế là hai bố mẹ nhìn mình đầy ngưỡng mộ.

Ngày 7, mình là fan của Xuân Mai và “Charlie bit my finger”. Tên Charlie buồn cười thật, hắn cắn thằng anh tí thì mất ngón tay. Mình cũng phải bắt chước mới được. Mỗi lần mẹ đánh răng là mình thử trêu mẹ xem nào. Nhưng sao mẹ chẳng hài hước gì cả, chỉ thấy kêu ầm lên. Mà mình có cắn mạnh lắm đâu, chỉ không cho cái bàn chải cùng tay mẹ thoát ra một lúc thôi mà. Kiểu như bố hay xem đá bóng, người ta gọi là “bóng đi người ở lại” ấy.

Ngày 14, mình đã biết bật tắt tivi và cái đầu DVD để ngay tầm tay mình. Việc bỏ đĩa vào ổ rồi lấy đĩa ra quá ư là dễ dàng với mình. Cái trò mình thích nhất là chuyển kênh khi …ố …oàng đang xem đá bóng. Đang chuẩn bị đến pha gay cấn là mình ấn vèo một cái. Mặt …ố …oàng lạnh lùng gờm mình một cái. “Mẹ … mẹ …”, “Ơ sao thế con”. Mẹ ra ôm chầm lấy Bư. Bư chỉ về phía …ố …oàng và cái điều khiển trên tay bố. Thế là bố lại bị mắng là giành với trẻ con. Bố lầm lũi vào phòng ôm lấy cái laptop. A, cái này mới nhiều cái hay nè. Có bao nhiêu là hình của mình trên đấy. Bố cho con xem đi. Bố nhe răng và nhấc Bư lên ngồi vào lòng. Nhưng bố đang xem cái gì ấy, sao toàn cô chân dài và ăn mặc thiếu vải thế nhỉ. Con phản đối, bụp bụp, mình phải chiếm được cái bàn phím thì mình sẽ kiểm soát được cái máy này. Kaka thế là bố lại quăng mình sang một bên. Thôi, không chơi cái đấy nữa, có cái điện thoại to oành của bố đây rùi. Gọi cho ông và anh Chum đã!

Ngày 21, mình ôn lại mấy từ mình nói được xem nào: “Bà, Mẹ, …ố …oàng. Bà, Mẹ, …ố …oàng”. A, bố dậy rùi. Sao hôm nay mình lại ngủ với bố nhỉ? Bao lâu nay mình ngủ với Bà và Mẹ cơ mà. Nhưng ngủ bên này thích đấy, có hơi hôi hôi một chút nhưng lại hợp với khứu giác của mình. Tối nay sẽ ngủ tiếp với bố nhé.

Ngày 28, ngày nào bố cũng làm một cốc cafe mới đi ngủ. Hay mình cũng làm một ngụm nhỉ? Bố ơi, cho con ngụm nào. Mình cứ mè nheo là thế nào bố cũng cho. Hihi thế là được một thìa. Eo ơi, đắng quá. Nhưng vẫn phải cười một cái cho bố vui, kẻo lại bảo mình không biết thưởng thức. Nhưng từ giờ không uống cái đắng ngắt này nữa. Đi uống sữa của mình còn ngon gấp vạn lần. Sao bố không uống món ngon và bổ ấy nhỉ mà lại uống cái đắng ngắt vậy. Chắc bố hư nên Mẹ không cho uống đấy mà. Mẹ muôn năm.

Ngày 31, cả nhà ngồi ăn cơm. Có cái bể cá trước mặt. Bố hỏi con gì thế Bư? “Cá”. Giỏi quá, Bư của bố giỏi ghê cơ. Thế bà gì đây? Bà Tĩn (Tĩnh). Hoan hô, Bư thật là tuyệt.
Bố Mabu
(Dân trí)
>> Chia sẻ Nhật Ký <<

Follow us

Nhật Ký Làm Mẹ

Nơi lưu giữ những dòng nhật ký, những lời nhắn nhủ yêu thương của mẹ dành cho con – Nơi ghi dấu hạnh phúc khi đựợc làm mẹ.

Chia sẻ Nhật Ký

Mèo Tom Làm Mẹ

Tổng hợp bài viết

Album của bé

Đặt ảnh Bé

ĐẶT BANNER QUẢNG CÁO miễn phí

Bạn là vị khách thứ

  • 2 429