Nhật Ký Làm Mẹ

Bác sĩ nắn chân mẹ, mẹ không có cảm giác gì. Một tấm màn phủ trước mặt, và đường dao đầu tiên đã lần mò tới bụng mẹ…

7h sáng ngày thứ Hai (14/3/2011), mẹ giật mình tỉnh giấc theo tiếng bố con chuẩn bị đi làm.

Mẹ: Em sợ lắm huhu

Bố: Sợ gì, 1 phát xong luôn. 8h xuống ăn cháo nhé! Bố đi đây, tí 11h bố về đón 2 mẹ con, iu iu!

Mẹ run lập cập xuống ăn bát cháo bà nội chuẩn bị để 11h nhập viện. Chỉ được ăn cháo thôi, và không được măm lẫn uống bất cứ thứ gì để còn mổ. Cả đời mẹ chưa từng ăn bát cháo nào nặng nề đến thế con ạ. Mẹ vốn nhát mà, mặc dù đêm trước đã “Gúc gồ” là mổ đẻ không đau tí nào, nhưng mẹ vẫn sợ.

11h10, bố về đón mẹ và bà nội vào viện. Trên đường đi, mẹ bật volume to oành bài Dịu dàng đến từng phút giây, Paris By night 100. Bà nội động viên mẹ: “Đừng sợ con ạ, người ta làm được thì con cũng làm được mà”. Bố con vì bị tiếng nhạc chi phối nên suýt đi sai làn đường, mẹ đành ngậm ngùi bật nhỏ lại. Sợ đến mức phải nghe nhạc cho đỡ sợ. Ước gì trong phòng mổ mẹ cũng được nghe bài này nhỉ!
Tiểu Khanh của mẹ 3,3 kg, có đáng công mẹ 9 tháng ôm ấp con trong bụng không cơ chứ!

11h30, mẹ đến Việt Pháp. Lễ tân tươi cười đưa mẹ vào nhập viện, phòng 302. Chưa kịp nhìn ra bạn cùng phòng, mẹ hết hồn nghe hộ lý nhắc: “Em cởi hết đồ ra, nữ trang điện thoại gửi hết người nhà cầm, hoặc cho vào tủ. Không được mặc gì hết, vào tắm dung dịch này đi để còn truyền nước”. Mẹ run lẩy bẩy cởi đồ, mắt liếc sang giường bên cạnh thấy đồng đội vừa mổ đẻ buổi sáng đang rên rỉ. Thôi rồi, đau đến thế cơ à…

12h, mẹ bắt đầu truyền dịch, chạy monitor tim thai. Nhịp tim con vẫn ổn, nhưng mẹ thì đói điên lên. Chọc ven truyền mẹ không đau tí nào vì quá đói, mặc dù tác dụng của nước truyền làm cơn đói dịu đi nhưng cái bụng thì vẫn đập liên hồi. Bố con hớn hở chạy vào: “Đọc Conan không?”. Chẳng lẽ mẹ lại ném cả cái máy chạy monitor vào đầu bố con? Đàn ông vô tâm thế đấy con ạ!
Chưa bao giờ mẹ nhìn thấy điều gì đáng để mẹ sống hơn thế!

2h kém, hộ lý chạy vào: “Phòng 302 đi mổ nhé”. Ôi giời ơi, tim mẹ lại đập từ House sang Under, loạn xạ. Bà ngoại, bà nội hết lời an ủi: “Cố lên con gái, cố lên nhé!” (làm nhiều người thắc mắc: “Không hiểu ai là mẹ của nó nhỉ?”). Mẹ được nằm lên giường, đẩy thẳng vào phòng phẫu thuật. Và ấn tượng đầu tiên khi vào đến cái phòng ấy là…

Bác sĩ tây: xì xồ xì xồ

Hộ lý ta: xì xồ xì xồ

Mẹ: Ông ý nói cái gì đấy hả chị?

Hộ lý: Bác ý hỏi em bao nhiêu tuổi mà trẻ thế. Xinh nữa!

Mẹ: Úi giời, em 25 rồi, già rồi. (hi hi, được khen mẹ rất vui …)

Hộ lý: Em đang làm ở đâu? Em trẻ quá, lông mi thật hay giả mà cong vút thế?

Mẹ: Giả đấy chị ạ, hihi…

Các hộ lý khác: Em này xinh mà trẻ quá nhỉ. (Nghe cũng đỡ sợ hơn 1 tí đấy. Bài học rút ra là đã đẻ ở VP thì nên xinh 1 tí, được khen nghe đỡ sợ hẳn).

Sau khi cười há há 1 lúc thì mẹ vào đến phòng phẫu thuật. Sạch, nhưng lạnh kinh. Mẹ được nằm lên bàn mổ như 1 con lợn, không mặc gì. Hộ lý xung quanh gắn máy đo nhịp tim, truyền, các loại máy móc… Giọng mẹ lạc đi vì run:

Mẹ: Chị ơi có đau không nhỉ?

Hộ lý: Không đau tí nào, tiêm gây tê tủy sống mà em.

Mẹ: Em cũng biết thế, nhưng vẫn sợ…

Hộ lý: Bác Fê- đờ-rích gây tê, yên tâm!
Nhìn con, lần đầu tiên trong đời mẹ thấy tự hào về bản thân mình.

Một lúc sau, rất nhanh thôi. Bác Fê-đờ-zích vào, mặt tươi cười xì xồ. Bác bảo mẹ ngồi gập lưng lại, mẹ cong như con tôm. Rồi nhói 1 cái, bác chọc êm như không vào tủy sống của mẹ. Một làn nước mát lạnh chảy xuống lưng, rồi hông, và lan xuống 2 chân. Mẹ bắt đầu… Fê như cái tên của bác sĩ gây tê và như là đi 2 đường quốc lộ vitamin K vậy. Chân mẹ bắt đầu tê dần, mát lạnh, cả người thì rét run lên. 15 giây sau, mẹ chẳng còn cảm giác là mình đã từng có… chân. Chỉ biết từ ngực trở lên thôi.

10 phút sau, khoảng 2h15, bác Hợp vào. Đây là bác sĩ mẹ đã yêu cầu mổ, bác cười và hỏi han mẹ rất nhiệt tình. Bác sờ nắn chân mẹ, chả có cảm giác gì cả. Một tấm màn phủ trước mặt mẹ, cũng không nhìn thấy gì luôn. Và đường dao đầu tiên đã lần mò tới cái bụng mẹ…

… Rất nhanh và bất ngờ, chỉ 3-5 phút sau khi bác rạch đường đầu tiên trên bụng (mẹ hoàn toàn chẳng có cảm giác gì), bác nói to: “Úi giời, đầu to nhé. Bây giờ bác ấn nhé, hơi mạnh tí đấy!”. Và… Oe oe oe… Ôi, tiếng khóc đầu đời của con tôi đấy!!! Con khóc rất to và đanh, mẹ run lên vì quá hạnh phúc. Tiếng bác sĩ lại vang lên: “14h40 phút nhé, con gái, 3,3 kg”. Trộm vía Tiểu Khanh của mẹ 3,3 kg, có đáng công mẹ 9 tháng ôm ấp con trong bụng không cơ chứ! Hộ lý chúc mừng mẹ, sau đó thông báo đem con đi tắm và sẽ mang con đến cho mẹ.
Tình yêu của bố mẹ đã đơm hoa kết trái…
5 phút sau, người ta bế Tiểu Khanh của mẹ đến… Ôi, mẹ chưa bao giờ nhìn thấy điều gì đáng để mẹ sống hơn thế. Con trắng trẻo, bụ bẫm, hai cái má bụ lắm ý. Vì mẹ đang mổ nên người ta để mẹ hôn con rồi lại mang con ra nằm lồng kính. Các cô hộ lý liên tục khen con mẹ xinh, chân dài nhé. Chuyện, con gái của mẹ cơ mà… Chẳng còn ai và chẳng còn bất cứ thứ gì quan trọng hơn việc mẹ đã có con trên đời này. Mẹ hạnh phúc khủng khiếp và nước mắt thì cứ chảy ra. Bác sĩ trêu: “Thấy con nên khóc hả?”, mẹ nhận ngay. Niềm vui này mẹ chưa từng có trong đời. Con khác hẳn với hình ảnh siêu âm, con xinh xắn và đáng yêu lắm con biết không, lần đầu tiên trong đời mẹ thấy tự hào về bản thân mình. Thật đấy!

3h chiều, ca mổ xong xuôi và mẹ đã được làm vệ sinh sạch sẽ. Chân và bụng mẹ vẫn đơ cứng, bác Hợp chào mẹ rồi đi ra, các hộ lý cũng chào mẹ rất vui vẻ. Câu “đau như đau đẻ” chẳng đúng gì cả. Nhẹ nhàng, êm ái, thoải mái thế này cơ mà. Hơn 2 tiếng nằm ở phòng hậu phẫu dài như 2 năm, mẹ sốt ruột lắm lắm rồi. Năn nỉ mãi, người ta cũng cho mẹ về mặc dù chưa hết thuốc tê, chân mẹ vẫn như đang bay từ Macau về chứ không phải nằm dưới bụng mẹ nữa…

Xe đẩy vừa ra khỏi hành lang, bố con, ông bà nội, bà ngoại, bà dì… ùa ra đón mẹ. Mặt ai cũng rạng ngời, bố con lon ton cầm bông hoa dí vào tay mẹ: “Hi hi, chúc mừng vợ iu”. Lúc đấy không hiểu sao mẹ chẳng ghét bố như mọi khi nữa, cũng không muốn sút cái máy đo nhịp tim vào mặt bố nữa, mà thấy thương thương bố con. Dù sao thì cũng làm bố trẻ con rồi cơ đấy! Mẹ bỗng nhớ tới cái túi mà hôm trước mẹ mới xem trên web, tí nữa phải “đặt hàng” bố con mới được.

Thế rồi tối hôm đấy, con được đưa về để mẹ cho ti sữa non. Mẹ và cả nhà nhìn em thật kỹ. Ôi… Em chẳng chê vào đâu được. Bụ bẫm, trắng trẻo, 2 cái má múp nhìn chỉ muốn cắn thôi. Em háu ăn lắm, trộm vía. Mẹ mệt nhoài và đã hết thuốc tê, ôi đau kinh khủng nhưng được ngắm em là mẹ quên hết, mẹ cứ nhìn em mãi. Nhìn mãi, rồi nước mắt lại chảy ra. Mẹ nhìn lên bà ngoại, nếp nhăn trên gương mặt chất phác của bà đã giãn đi đâu hết rồi. Mẹ yêu em, và thương bà nữa. Có con mới thấu lòng cha mẹ, cuộc đời mẹ từ đây sẽ thay đổi mãi mãi, sẽ không còn những phút 1 mình nữa, sẽ bận rộn, vất vả và nhiều mệt mỏi hơn. Nhưng chẳng còn ai hạnh phúc hơn mẹ bây giờ, cũng giống như 25 năm trước, chẳng còn ai hạnh phúc hơn bà ngoại.

Đã hơn 1 tuần kể từ ngày đón em. Đêm mẹ không ngủ trọn giấc, ngày thì ngồi miệt mài vắt sữa. Bà ngoại tất tả chạy giữa 2 nhà, ông ngoại nhắn tin gọi điện sốt sắng… Rất nhiều hoạt động xung quanh con, con là trung tâm của mọi vấn đề đấy. Nhưng ai cũng vui vẻ hết, bố về sớm hơn để trông em đến đêm, mẹ cũng chẳng thấy đau lưng khi vắt sữa, vì mỗi khi như thế mẹ lại nhìn em thật lâu. Em xinh hơn tất cả những điều tốt đẹp nhất trên đời này, Tiểu Khanh của mẹ.

Mẹ yêu con!

Theo afamily

Ai làm mẹ rồi cũng biết, đó là một trọng trách nặng nề, với người mẹ đơn thân thì thiên chức ấy nhọc nhằn gấp bội.

Vì sao tôi yêu anh, quyết tâm lấy anh cho bằng được mặc sự ngăn trở của bố mẹ? Điều đó đến bây giờ tôi cũng không hiểu nổi, chỉ biết rằng khi ấy tôi đã yêu, yêu người đã luôn bên tôi, khoác vai tôi che chở, yêu người dù không có tiền nhưng cũng luôn cố gắng làm đẹp lòng người yêu.

Bố mẹ tôi chê anh học vấn thấp, khi ấy dù không bằng cấp anh cũng luôn tìm mọi cách kiếm tiền, đi làm thêm, nhận làm thêm ngoài giờ để có tiền cưới tôi, vì nhà anh nghèo. Tôi đã cãi bố mẹ để được cùng anh ký vào giấy đăng ký kết hôn, không có đám cưới nào hết, tôi theo không anh về, nhủ thầm trong bụng mình sẽ sống tốt, sẽ thật hạnh phúc để bố mẹ chấp nhận anh, đón nhận con rể và cháu ngoại. Ước mơ chưa kịp thực hiện thì…

Lấy nhau xong, dù đang có bầu tôi vẫn tíu tít bận rộn đi làm ở công ty, tranh thủ dạy thêm tiếng Trung vào buổi tối ở trung tâm, cả dịch sách những khi có thời gian, còn anh thì miệt mài kiếm tiền bên chiếu bạc, những mong sẽ đổi đời nhanh chóng từ đó. Hai chiếc xe máy đội nón ra đi cũng không làm đã cơn khát bạc của anh.

Anh tát tôi mỗi lần không đưa tiền, mà đưa thì không có tiền mua sữa, không cả tiền mua bỉm, mua thức ăn cho con, bế tắc… con được ba tháng tôi rời bỏ căn nhà trọ trong hẻm, nước mắt ngắn dài về xin sự cưu mang của bố mẹ đẻ, tự hứa với lòng mình sẽ không để con tim thêm lần nào mù quáng. Tôi làm đơn xin ly hôn, chấp nhận làm mẹ đơn thân từ đó, không cần bất cứ sự trợ giúp nào khi mà họ không sẵn lòng và cũng chẳng sẵn tiền.

Giờ đây tôi đã gặp được người đồng cảnh ngộ. Chị là đồng nghiệp với tôi. Chị hiền lành, tốt bụng có tiếng, ai biết hoàn cảnh cũng thầm ái ngại cho chị, vì chị bị mang tiếng là con hoang từ bé, chị không biết bố mình là ai và cũng không dám hỏi mẹ sợ khoét sâu vào nỗi đau âm ỉ, hành hạ bà bao lâu nay.

Mẹ cố gắng cho chị được học hành nhưng cũng chỉ hết lớp 12 chị về nhà làm may kiếm sống qua ngày, vài năm sau chị được xã tạo điều kiện cho đi xuất khẩu lao động, làm giúp việc bên Đài Loan được 5 năm thì chị về nước, khi đó chị cũng đã gần ba mươi. Chị xin vào làm trong công ty tôi, lợi thế vì biết tiếng Trung đã giúp ích chị rất nhiều trong công việc, chị được cất nhắc lên làm phiên dịch cho quản đốc xưởng là người Đài Loan.

Cuộc sống êm đềm, chị cũng thầm mong một bờ vai tin cậy để ngả vào, nhưng tuổi chị, giờ cũng là khó để có được người ý hợp tâm đầu, thế rồi con tim chị rung động trước một người đàn ông hơn chị ba tuổi, đã ly dị vợ, hiện đang nuôi một con nhỏ đang học lớp 1. Chị đắm đuối lao vào bất kể hơn thiệt, chẳng so đo cân nhắc. Với con mắt của người từng trải mẹ chị e rằng người đó không thật lòng và khó có thể mang lại hạnh phúc cho con gái.

Nhưng rồi một mầm sống nhỏ đang hình thành, sinh sôi trong chị và chị tái dại người khi nghe người đàn ông kia lộ mặt: “Tiền anh còn phải nuôi con, không có để cưới vợ khác đâu”. Bẽ bàng quá, chị gạt nước mắt, gạt sỹ diện để yêu cầu anh ta một tờ giấy đăng ký kết hôn, để con chị hơn chị một điểm đó là có cái họ của bố, rồi sau con có thắc mắc thì thiếu gì cách trả lời, chị chỉ cần hợp lý hóa tờ khai sinh cho con. Còn chị hiểu ra, bố nó có cũng như không mà thôi.

Sau đó chị cắt đứt quan hệ, sinh con xong chị đưa con về ở với mẹ đẻ, đối mặt với cuộc sống làm mẹ với nhiều thách thức, tôi bặt tin chị từ đó, cuộc sống hẳn không dễ dàng gì ở đất nước còn nhiều mặc cảm với người phụ nữ nuôi con một mình.

Còn biết bao nhiêu bà mẹ đơn thân đang âm thầm thực hiện thiên chức của mình, họ phải trải qua quá nhiều khó khăn, tủi cực và cả những lời dèm pha. Đôi khi nỗi đau do bố đứa trẻ mang lại cũng không nhức nhối bằng việc mọi người xung quanh đào bới chuyện cũ lên và phán xét.

Sự thiệt thòi đã ướt đẫm đôi mắt, đã thuấm nhuần đôi vai vì gánh nặng cơm áo, xin đừng góp thêm sự bi ai cho những bà mẹ đơn thân

Minh Nguyệt

(Dân trí)

Follow us

Nhật Ký Làm Mẹ

Nơi lưu giữ những dòng nhật ký, những lời nhắn nhủ yêu thương của mẹ dành cho con – Nơi ghi dấu hạnh phúc khi đựợc làm mẹ.

Chia sẻ Nhật Ký

Mèo Tom Làm Mẹ

Tổng hợp bài viết

Album của bé

Đặt ảnh Bé

ĐẶT BANNER QUẢNG CÁO miễn phí

Bạn là vị khách thứ

  • 2 429